CN. Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – P.Trưởng Phòng Đào tạo
Email: [email protected]
Mô hình đào tạo nghề gắn với dạy văn hóa trung học phổ thông (Hệ giáo dục thường xuyên) đã được nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước áp dụng từ nhiều năm nay và đã đạt được những hiệu quả rất đáng khích lệ. Đào tạo nghề gắn với dạy văn hóa không những đáp ứng nhu cầu vừa học nghề, vừa học văn hóa cho một bộ phận học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, tạo điều kiện cho các em sau khi ra trường không những vừa có bằng tốt nghiệp trung cấp vừa có bằng tốt nghiệp THPT mà còn tiết kiệm kinh phí, thời gian cho người học, phân luồng, định hướng được các đối tượng học sinh theo năng lực, năng khiếu, học lực và cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật lớn cho xã hội phát triển, các em có cơ hội tốt để tìm việc làm và có thu nhập ổn định.
Từ năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số: 1598 /QĐ-UBND ngày 07 tháng 10 năm 2016 v/v bổ sung chức năng dạy và học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho trường Cao đẳng nghề DTNT Bắc Kạn và bổ sung khoản 4, điều 5, chương II, Điều lệ trường Cao đẳng nghề DTNT Bắc Kạn ban hành kèm theo Quyết định số 1792/QĐ-UBND ngày 05/11/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn. Điều này đã mở ra nhiều cơ hội cho học sinh các trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh và những học sinh đang học nghề tại trường. Thực tế được chứng minh khi chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường luôn đạt và vượt kế hoạch. Trong đó tỷ lệ học sinh đăng ký học văn hóa hằng năm chiếm trên 70% số học sinh đăng ký học nghề (là đối tượng vừa tốt nghiệp các trường THSC trong tỉnh)
Năm học 2017 – 2018 nhà trường xét tuyển cho 212 em học sinh học văn hóa (nhiều hơn gấp 3 đến 4 lần so với kết quả tuyển sinh hệ GDTX cấp THPT của các Trung tâm GDNN – GDTX các huyện và của tỉnh), điều này cho thấy nhu cầu vừa học nghề, vừa học văn hóa cuả học sinh là rất lớn và rất nhiều phụ huynh có mong muốn con em được tiếp tục học văn hóa trong thời gian học nghề. Tổng số lớp hệ GDTX năm học 2016 – 2017 của nhà trường là 03 lớp 10; năm học 2017 – 2018 là 7 lớp, trong đó: 02 lớp 11 và 05 lớp 10, tuy nhiên đến hết học kỳ 2 số học sinh khối 10 đã được ghép lại còn 03 lớp.
Với đặc thù là cơ sở đào tạo nghề, do vậy đội ngũ giáo viên dạy các môn văn hóa của nhà trường còn ít, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên trong 02 năm thực hiện chức năng dạy văn hóa cho học sinh học nghề tại trường, Ban Giám hiệu và đội ngũ giáo viên dạy văn hóa đã luôn cố gắng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh khi tham gia các lớp văn hóa. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của các bậc phụ huynh, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, giáo dục học sinh.
Mặc dù vậy, công tác dạy văn hóa cũng còn nhiều bất cập như tỷ lệ học sinh bỏ học cao; kết quả xếp loại 02 mặt giáo dục của học sinh còn thấp (chủ yếu là học lực trung bình, yếu và hạnh kiểm khá, chiếm đến trên 80%). Một số phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của học sinh, ỷ lại vào công tác giáo dục, quản lý của nhà trường, phụ huynh và học sinh chưa xác định đúng động cơ và mục đích học tập, có quan điểm vào trường để hưởng các chế độ chính sách hoặc quản lý con em họ thay gia đình mà không quan tâm đến việc rèn luyện và học tập của các em tại trường.
Trong những năm học tiếp theo, Trường cao đẳng nghề DTNT Bắc Kạn tiếp tục phối hợp với các trường THCS tổ chức tuyển sinh để thực hiện chương trình đào tạo nghề, đồng thời dạy văn hóa theo chương trình GDTX cấp THPT với yêu cầu bảo đảm chất lượng giáo dục và chuẩn đầu ra nhằm thực hiện có hiệu quả giải pháp phân luồng học sinh sau THCS; Tăng cường đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy các môn văn hóa như dụng cụ thí nghiệm các môn Vật Lý, Hóa Học, Sinh học…Tổ chức rà soát chương trình đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy tạo thuận lợi cho học sinh tiếp thu bài, phù hợp với nhận thức của học sinh; Phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2018 – 2019 để đánh giá chất lượng đào tạo sau 3 năm thực hiện mô hình này. Dự kiến năm học 2018 – 2019, nhà trường sẽ xét tuyển 05 lớp 10 với khoảng hơn 200 học sinh, đáp ứng tối đa nhu cầu vừa được đào tạo nghề vừa được học văn hóa của học sinh và phụ huynh.
Mô hình đào tạo nghề kết hợp với dạy văn hóa và tiền đề rất tốt cho học sinh lập nghiệp trong tương lai. Đây chính là thời gian phù hợp để các em trau dồi kiến thức, rèn luyện bản thân để đảm bảo sau khi ra trường vừa có kỹ năng nghề, vừa có kỹ năng mềm và kiến thức văn hóa THPT đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị sử dụng lao động, có thu nhập ổn định để đảm bảo cuộc sống. Vì vậy các em học sinh cần xác định rõ mục tiêu để học tập và rèn luyện, hoàn thiện bản thân để trở thành những người thợ lành nghề “Vừa hồng vừa chuyên”, trở thành công dân tốt của xã hội./.