Nghề trồng nấm ở nước ta đã phát triển khá lâu, nhưng đối với nhiều người đặc biệt là ở vùng cao thì còn khá mới mẻ, để trồng được nấm không đơn thuần chúng ta đưa về chăm sóc mà phải tuân thủ theo quy trình kỹ thuật và có sự chuẩn bị kỹ càng về cơ sở vật chất. Trồng nấm không khó, nhưng đòi hỏi người trồng phải chịu khó, chăm chỉ từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu chăm sóc.
Được đầu tư xây dựng từ cuối năm 2019, đến nay khu nhà sản xuất nấm của Khoa Nông lâm đã tổ chức giảng dạy thực hành nghề trồng nấm cho học sinh, sinh viên ngành Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ngành Khoa học cây trồng. Tại đây các em được thực hành quy trình trồng nấm sò trên rơm, đây là loại nấm có giá trị dinh dưỡng rất cao, có lợi cho sức khỏe.
Quy trình trồng nấm sò rất đơn giản, chỉ cần chuẩn bị một vài bước như sau: Sau mỗi vụ thu hoạch lúa rơm được thu về phơi khô, sau đó được làm ướt bằng nước vôi theo tỉ lệ 3,5kg vôi hòa với 1.000 lít nước, ủ 7-8 ngày, độ ẩm phải đạt 65% (vắt chặt, nước rịn ra vừa ướt tay là đạt yêu cầu). Sau khi ủ, rơm đạt yêu cầu là rơm không có mùi mốc thối, màu rơm sáng ánh vàng. Thông thường mỗi lần ủ cần có khối lượng từ 300kg trở lên mới đảm bảo nhiệt độ.
Sau thời gian ủ, tiến hành băm nhỏ rơm và đóng vào bịch, mỗi bịch có trọng lượng từ 1,8 đến 2kg. Song song với quá trình đóng bịch nấm tiến hành cấy giống nấm và để trong phòng mát từ 25 đến 30 ngày để sợi nấm lan quanh bịch. Một bịch nấm đạt tiêu chuẩn phải có màu trắng đục đồng nhất, không bị nhiễm các nấm mốc xanh, cam hay đen. Sợi tơ ăn mạnh, sự phát triển của nấm buông xuống, không bị co cụm lại.
Sau 25-30 ngày, dùng dao nhọn rạch 4-6 đường xung quanh bịch nấm, chiều dài vết rạch 3-4cm; 4-6 ngày sau khi rạch nấm bắt đầu lên, tiến hành tưới nước bên ngoài túi. Mỗi ngày tưới khoảng 3-4 lần, sao cho độ ẩm môi trường không khí nơi trồng nấm đạt trên 85% là tốt. Trong giai đoạn này nấm rất cần độ ẩm, nếu thiếu nước, nấm sẽ cằn cỗi, nhẹ cân, ăn rất dai. Ngược lại nếu tưới nước quá nhiều, nấm sẽ có màu vàng, thối rữa. Nên thu hoạch nấm vào buổi sáng, hái nấm đủ độ tuổi sẽ đạt năng suất và chất lượng cao nhất. Khi thấy mũ nấm mỏng và căng rộng ra, mép mũ hơi quằn xuống là thu hái. Mép mũ cong lên là nấm già.
Chỉ cần tuân thủ đúng các bước chăm sóc trên các em học sinh, sinh viên đã có thể tự tin sản xuất nấm sò trên rơm, mở ra một triển vọng mới trong sản xuất nông nghiệp sạch đồng thời đây cũng là mô hình phát triển kinh tế nông hộ cho bà con nhân dân trên địa bàn các tỉnh miền núi nói chung và Bắc Kạn nói riêng./.
Bài viết: Hà Quang – Khoa Nông lâm